Dàn âm thanh của bạn càng nhiều thiết bị, quy mô càng lớn thì hệ thống dây dẫn (dây loa và dây tín hiệu) càng nhiều và phức tạp, cần được “hệ thống hóa” kỹ càng. Bài viết sẽ gợi ý cho bạn một số mẹo rút gọn dây loa và dây tín hiệu dàn âm thanh cách hiệu quả để setup, xử lý sự cố và thu dọn cách nhanh, hiệu quả nhất.
Việc kết nối dây loa và dây tín hiệu trong các dàn âm thanh cố định như gia đình, phòng hát karaoke hay các hội trường đa năng tuy hơi phức tạp vì phải phụ thuộc vào địa hình và đi dây theo yêu cầu của chủ đầu tư, nhưng bạn sẽ chỉ phải làm 1 lần và sử dụng mãi. Còn với các dàn âm thanh cho thuê, bộ dàn làm show, sự kiện thường xuyên di chuyển để phục vụ khách hàng, với mỗi chương trình sẽ là một cách setup dây dẫn khác nhau và nó đòi hỏi bạn phải linh động, có kinh nghiệm trong việc xử lý dây loa và dây tín hiệu, để sao cho vừa gọn gàng, ít rủi ro nhất và việc setup cũng như tháo dỡ nhanh gọn, dễ xử lý khi có sự cố âm thanh xảy ra.
Thiết bị nhiều đòi hỏi bạn cần có cách đi dây dẫn gọn gàng, ngăn nắp
Chúng tôi gợi ý với bạn một số mẹo rút gọn dây loa và dây tín hiệu dàn âm thanh với các dàn trình diễn và cho thuê như thế, qua đó mang lại sự tiện lợi và hiệu quả thực tế nhất.
1. Dán nhãn dây loa, dây tín hiệu và các thiết bị
“Đặt tên” cho từng sợi dây loa, dây tín hiệu sẽ giúp bạn phân biệt rõ đâu là dây của micro, đâu là dây dành cho organ, guitar… Thông thường một số dàn âm thanh sẽ thường dán băng keo giấy và ký hiệu trên mixer dưới mỗi channel, nhưng nếu bạn phân rõ từng sợi dây tín hiệu, dây loa cho từng thiết bị cụ thể bằng cách dán nhãn lên sợi dây, bạn sẽ dễ dàng kết nối và phân biệt khi setup hoặc dọn đồ trong mỗi chương trình.
Không chỉ dán nhãn lên các sợi dây loa và dây tín hiệu, một số dàn âm thanh quy mô lớn với nhiều thiết bị còn ghi chú lên từng thiết bị cụ thể, như các đầu thu sóng micro có ghi chú màu micro, để dễ dàng xử lý, kiểm tra khi có sự cố với thiết bị trong chương trình trình diễn.
Dán nhãn dây tín hiệu và dây loa là cách phổ biến nhất để quản lý và phân loại
2. Chiều dài dây dẫn hợp lý
Mỗi không gian chương trình sử dụng hệ thống âm thanh sẽ yêu cầu bạn một cách “chạy” dây loa và dây tín hiệu khác nhau, và như thế kích cỡ dây cũng phải đa dạng để có thể kết nối loa “lúc gần lúc xa” như thế. Đừng vì chút tiết kiệm mà sử dụng các sợi dây có chiều dài “vừa đủ” và những lúc cần phải nối nhiều sợi dây lại với nhau, rủi ro rất nhiều khi vô tình có ai đó đá phải hay tác động vào làm ảnh hưởng chất lượng tín hiệu trong dàn âm thanh.
Nên lưu ý đến chất lượng dây tín hiệu và dây loa của bạn, có đủ khả năng truyền tín hiệu đi xa (khoảng 50 mét) mà vẫn có thể đảm bảo được chất lượng tín hiệu ổn định hay không. Vì một số loại dây tín hiệu, dây loa không có chất lượng tốt sẽ không đảm bảo truyền tín hiệu ở khoảng cách xa một cách tốt nhất, bị nhiễu và suy hao trên đường truyền.
3. Các loại tủ, hộp (case) cho dây dẫn
Các loại tủ, hộp (case) dành riêng cho dây dẫn hay các thiết bị kết nối dây như hộp cáp tín hiệu, digital snake (mixer digital) sẽ giúp bạn thu gọn dây dẫn và xử lý dễ dàng nhất khi làm âm thanh. Sử dụng xong chỉ cần tháo dây và đóng hộp lại gọn gàng, an toàn.
Ngoài ra bạn cũng có thể dành riêng 1 thùng carton để thu gom, phân loại dây tín hiệu và dây loa sau mỗi chương trình, qua đó dễ dàng sử dụng và setup lại cho chương trình khác mà không mất công tìm kiếm quá nhiều.