Có rất nhiều người thắc mắc là lấy hơi khi hát và họ thường xuyên bị hụt hơi và cảm thấy bị mệt khi hát hết một bài.
Hơi thở là một trong những yếu tốt rất quan trọng trong việc hỗ trợ cho nội lực giọng hát của bạn, giúp cho âm thanh bay cao bay xa, việc kiểm soát hơi thở vào cũng như hơi thở đi ra rất quan trọng, nếu không điều khiển được bạn sẽ dẫn đến việc hụt hơi hoặc lấy hơi mệt khi hát. Vậy việc hụt hơi đến từ đâu, và khắc phục nó như thế nào?
Thứ nhất, chúng ta sẽ nói về các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hụt hơi.
Nguyên nhân gây hụt hơi khi hát
Về vấn đề này chúng ta sẽ chia làm hai vấn đề chính đó là vấn đề lấy hơi (hít vào) và vấn đề đẩy hơi (thở ra) khi hát.
Lý do 1: Về vấn đề lấy hơi vào, một nguyên nhân rất phổ biến đó là chúng ta lấy hơi ở phần trên cơ thể hoặc nói cách khác đó là lấy hơi ngực, mà biểu hiện đó là vai sẽ nhướng lên, ngực sẽ phình to và cảm giác rất dễ mệt, việc này giống như bạn chơi thể thao mà bị đuối dẫn đến phải hít thở gấp gáp vậy. Vì sao lấy hơi ngực sẽ gây hụt hơi? Lý do rất đơn giản, bởi vì ở ngực của bạn chỉ có xương, các bộ phận nội tạng và các cơ bám vào khung xương rất chắc, do đó các cơ này không thể co giãn rộng và lớn được, nếu bạn càng cố gắng lấy càng nhiều hơi và nén ở ngực thì sẽ dẫn đến hiện tượng tức ngực, ép tim cho nên lúc đó chỉ “phù” một phát là hết hơi
Lý do 2: Đó là việc hạ thấp thanh quản, kỹ thuật này thường dùng trong các kiểu hát classic, nó giúp cho âm thanh bạn phát ra ồm ồm, ầm ầm nghe rền vang hơn
Bây giờ bạn thử hát hay nói một câu ồm ồm đi nào, cảm giác âm thanh ở dưới cổ họng của bạn…Bạn sẽ cảm giác hơi thở đi ra nhiều hơn cũng như mệt hơn. Kỹ thuật này đòi hỏi người hát phải có một nền tảng tốt để có thể điều khiển tốt làn hơi của mình, vì vậy hãy tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng kỹ thuật này nhé.
Lý do 3: Cách hát của bạn, một số bài hát cần đến sự thầm thì, nhỏ nhẹ, bạn sẽ hát theo cách sử dụng nhiều hơi đi kèm với âm thanh phát ra của bạn (breathy sound). Việc này rất tốt khi bạn làm cho bài hát của bạn có chất riêng, nhưng bạn nên biết rằng nếu bạn sử dụng kiểu hát này cho cả bài hát thì bạn nên có một sự tính toán kỹ lưỡng cũng như kinh nghiệm để có thể cân bằng trong suốt bài hát, và nó sẽ dễ gây ra hiện tượng hụt hơi hơn là việc hát với âm thanh rõ ràng.
Lý do 4: Khẩu hình và âm lượng khi hát. Một hiện tượng rất hay gặp với chúng ta đó là chúng ta thường mở miệng hết cỡ và tống hơi mạnh khi hát các note cao, chính việc này sẽ dẫn đến hiện tượng “thậm thụt âm thanh” (âm thanh không đều) và tất nhiên sẽ tốn nhiều hơi hơn mức bình thường.
Đó là một số lỗi thường gặp dẫn tới vấn đề hụt hơi khi hát. Vậy cách khắc phục như thế nào?
Nếu bạn hiểu những lý do trên, chắc hẳn bạn cũng đã có câu trả lời rồi chứ!
Thứ nhất, về vấn đề lấy hơi…Ông trời cho ta cơ hoành ở bụng rất tuyệt vời, nó giúp ta có thể lấy hơi dày và nén hơi được lâu ở đây. Do đó, việc tập lấy hơi ở bụng rất quan trọng. Bây giờ bạn hãy đặt tay lên bụng và hít thật sâu vào, chú ý vai và ngực ở nguyên vị trí nhé và bắt đầu “xì” hơi ra từ từ thật chậm và nhẹ nhàng nào, hãy tập thường xuyên để nó trở thành một thói quen khi hát, bạn sẽ có một làn hơi rất tuyệt đấy.
Thứ hai, hãy cho thanh quản thư giãn, nó rất không cần thiết khi bạn cố chế biến âm thanh sẵn có của bạn. Theo tôi, âm thanh hay nhất của mỗi người chính là giọng nói của người đó, do đó hãy thư giãn thanh quản và cảm nhận việc hát của bạn giống như bạn đang nói chuyện với người thân của mình vậy.
Thứ ba, breathy sound giúp cho giọng hát của bạn dễ đi vào lòng người nhưng theo tôi nó chỉ giúp tô điểm thêm “bức tranh” tổng thể về tác phẩm của bạn, một âm thanh rõ ràng và mềm mại cũng rất cần thiết. Bạn nên nghiên cứu trước về tác phẩm để phân bổ giọng hát của mình cho hợp lý ở từng phần của bài sẽ là một bước đầu rất thông minh.
Thứ tư, khẩu hình mở rộng là rất cần thiết, nhưng nó không đồng nghĩa với việc bạn mở to miệng giống như bạn đang ăn một cái hambuger bự nhé, mà việc mở này cần phải mở cả trong lẫn ngoài. Hãy hạn chế việc mở miệng theo chiều ngang, nó sẽ làm âm thanh của bạn bị chói và méo, mà thay vào đó bạn hãy tập mở miệng theo chiều rộng nghĩa là hàm dưới của bạn đi xuống đồng thời khớp nối của của dưới và hàm trên cũng được mở ra. Làm cách nào thực hiện điều đó nhỉ? J Bạn hãy “bặm” môi lại và tập “ngáp” xem nào…Giống như bạn đang ngồi trong lớp học, bạn muốn ngáp và không cho ai biết vậy…Bạn cảm giác như thế nào??? Bạn nghe tiếng “rắc rắc” ở bên mang tai chỗ khớp nối hàm trên và hàm dưới phải không nào? Đó chính là việc mở trong khi hát đấy, hãy vận dụng việc này khi hát nhé.
Thứ năm, một làn hơi đi ra đều đặn khi hát rất quan trọng, khi hát note cao, nó không có nghĩa là bạn sẽ push hơi ra thật nhiều mà ngược lại bạn phải giữ làn hơi thật đều đặn để có được âm thanh với âm lượng vừa đủ cũng như sử dụng giọng mix voice, đây cũng là một cách để giữ gìn thanh quản khỏi bị khan tiếng hay tổn thương đấy.
Một bài tập luyện thanh cho việc này đó là bài tập rung môi đã viết ở bài “Giọng Pha” trước, ngoài ra bạn co thể thay đổi thành từ ‘MEM” cho đỡ nhàm chán.
Trên đây là một số về vấn đề hụt hơi trong khi hát mà chúng tôi chia sẻ. Hy vọng bạn đã phần nào nắm được và hãy cố gắng vận dụng từ từ vào thói quen hát bạn nhé.