Mastering – Xử lý hậu kỳ âm thanh
Thông thường, quá trình thực hiện một sản phẩm nhạc điện tử thường trải qua bốn bước:
– Ghi âm (recording): thu lại những âm thanh cần sử dụng trong bản nhạc.
– Biên tập (editing): chỉnh sửa lại các âm thanh đã thu như điều chỉnh âm lượng, cân bằng tín hiệu, cắt đi các âm thanh thừa,…
– Trộn (mixing): xử lý và trộn các tín hiệu, thêm các hiệu ứng (EFX) cần thiết cho bản hòa âm như: Chorus, Delay, Reverb,…
– Xử lý hậu kỳ (mastering): đồng bộ và chuẩn hóa tác phẩm
Đa số chúng ta – kể cả những chuyên viên có kinh nghiệm nhiều năm với công việc tại phòng thu vẫn thường chưa phân biệt rõ ràng hai khái niệm mixing và mastering. Thực tế, giữa chúng có rất nhiều điểm khác nhau: nếu như mixing làm việc với từng track riêng biệt và cố gắng tạo ra hiệu quả tốt nhất cho từng track thì mastering nhắm đến sự hoàn hảo cho toàn bộ tác phẩm trước khi xuất ra (mix down/export).
Thực ra, đó chỉ là cảm nhận chủ quan của bạn khi làm việc trên một hệ thống Audio Monitoring của PC không đạt chuẩn thương mại. Điều này dẫn đến trường hợp tác phẩm thể hiện hoàn toàn khác trên những hệ thống dân dụng cao cấp: có khi bị nhỏ, có khi tín hiệu bị vỡ gây nguy hiểm đến thiết bị phát hay nhẹ nhàng hơn là cảm giác “thiếu“ một điều gì đó khiến người nghe rất khó chịu. Ngược lại, hãy chú ý đến những CD của các ca sĩ chuyên nghiệp nghe rất “ấm“ và “đầy“. Tất cả chỉ vì bạn đã không quan tâm đến công đoạn xử lý hậu kỳ (mastering) cho tác phẩm của mình.
Quá trình mastering bao gồm các giai đoạn như điều chỉnh âm lượng (gain/tube), cân bằng âm sắc (dynamic), cân chỉnh tần số (EQ), tạo các hiệu ứng vào/ra (fade in/out),… mà trong quá trình mixing chúng ta chưa (hoặc chưa thể) thực hiện được. Một phần hoặc toàn bộ các công việc này có thể được làm bởi các thiết bị chuyên biệt hay những VST/VSTi bổ sung độc lập cho những phần mềm biên tập âm thanh. Có nhiều quan điểm trái ngược nhau về hiệu quả cũng như chất lượng từ cả hai giải pháp phần cứng cũng như phần mềm này. Sự thực là, các studio tiếng tăm trên thế giới thường áp dụng cả hai phương pháp. Còn đối với hoạt động xử lý âm thanh tại gia, việc sử dụng phần mềm được ưa chuộng hơn do giá thành rẻ. Mặc dù vậy, có lẽ đây là một trong số ít lĩnh vực mà giá rẻ không đồng nghĩa với việc chất lượng thấp và ngược lại.
Say đây là những thao tác BẮT BUỘC PHẢI CÓ trong quá trình mastering của người kỹ sư:
– Change gain: đây là thao tác để chúng ta thay đổi âm lượng của bản nhạc, nhờ nó mà chúng ta có thể quy định cho bản nhạc đó có mức âm lượng bao nhiêu decibel. Một số người thường nhầm lẫn giữa hai khái niệm gain và gate. Sự thực, gate được sử dụng trong quá trình recording và xử lý tiền kỳ, còn gain dành cho hậu kỳ – mặc dù giữa chúng mang khá nhiều điểm tương đồng.
– Normalise: thao tác cơ bản đầu tiên nên làm khi thực hiện mastering. Normalise là thuật ngữ chỉ việc chuẩn hóa âm lượng file nhạc. Hệ thống phát âm (playback) có thể bị hư hỏng do âm lượng của nguồn phát vượt quá công suất cũng như các giới hạn về độ ồn, tần số… Các bộ Normaliser (phần cứng và phần mềm) thiết lập mức âm lượng cực đại của file nhạc theo tỉ lệ qui định (thường là 0 decibel). Điều này có nghĩa, nhạc có thể có âm lượng to hay nhỏ tùy theo cao trào và tiết tấu, song không bao giờ vượt quá ngưỡng 0 dB.
– Dynamic: tác động đến âm sắc và màu âm (sound mood) của file nhạc. Âm sắc là độ khác biệt giữa thanh áp nhỏ nhất và lớn nhất mà tai người có thể chịu đựng được (mức giới hạn là 120 – 130 dB). Trong khi đó, màu âm là cảm nhận của thính giả về nguồn âm như: giọng khỏe – đuối, dày hay mỏng… Do đó, nếu có chất giọng yếu, chúng ta không nên sử dụng chức năng change gain mà nên dùng tới các bộ lọc của họ dynamic.
– Equalizing (EQ): hiệu chỉnh tần số âm thanh, đặc biệt hữu ích đối với các nguồn âm có nguồn gốc từ giọng nói. Bộ cân bằng equalizer cho phép tăng giảm từng dải tần (thường là từ 5Hz đến 32000KHz).
Rõ ràng, chỉ cần nhìn thoáng qua các công đoạn cần thực hiện, bạn có thể thấy mastering rất quan trọng với quá trình sản xuất âm nhạc (audio production). Vậy thực hiện mastering như thế nào? Cần chuẩn bị những gì và khởi đầu ra sao? Trong phạm vi của mình cũng như nhìn nhận khách quan trên tổng thể nền công nghiệp nhạc điện tử còn khá non trẻ của nước ta, bài viết chỉ xin đề cập đến mastering bằng phần mềm trên hệ thống PC/Audiostation với những khởi đầu cơ bản nhất. Việc đi vào cụ thể từng khía cạnh và quá trình thực hiện đôi khi phải cần đến cả một cuốn sách mới có thể đề cập hết, do đó những vấn đề này sẽ lần lượt được trình bày trong các chuyên đề sau của báo.
Những công cụ cần thiết
Trước hết, một trình biên tập âm thanh có đẳng cấp, thể hiện ở việc hỗ trợ các định dạng nhạc chất lượng cao (high bit-rate) cũng như khả năng tương thích với các VST/VSTi bổ sung từ hãng thứ ba. Có thể kể ra một vài cái tên như SoundForge của Sony, CubaseSX/Nuendo hay Audition đến từ Adobe. Nhưng thế thôi chưa đủ! Để thực hiện mastering đạt hiệu quả như ý, chúng ta cũng cần thêm các plugin bổ sung được thiết kế chuyên nghiệp cho xử lý hậu kỳ âm thanh. Ở đây, người viết khuyến cáo bạn nên sử dụng các sản phẩm Multimaximizer và Ultramaximizer của WAVES. Tham khảo thêm danh sách các VST này và đặt mua bản quyền trực tuyến
Ngoài ra, để thực hiện EQ hay các hoạt động mastering khác, có thể sử dụng ngay các chức năng có sẵn trong trình biên tập nếu bạn đủ tự tin vào khả năng của mình hoặc các VST bổ sung để có thể đạt hiệu quả cao nhất.
Khởi đầu
Điều cần làm đầu tiên trước khi bắt tay vào công đoạn mastering là bạn PHẢI hoàn toàn lòng với chất lượng bản nhạc đã được thực hiện sau quá trình editing và mixing. Việc này là tối quan trọng, bởi nếu như chỉ cần một lỗi nhỏ chưa phát hiện được sau khi mixing thì bao nhiêu công sức mastering coi như bị bỏ phí và bạn buộc phải quay lại bước đầu tiên. Nếu như không phải một mixer chuyên nghiệp, hãy chắc chắn rằng bàn mix của bạn đã được thực hiện một cách tốt nhất có thể, bằng cách nghe lại nhiều lần trên hệ thống monitoring speaker (tham khảo thêm bài viết về Home Studio trên số báo tháng trước) với nhiều mức âm lượng khác nhau.
Nếu như thực hiện việc thu và xử lý âm thanh theo qui trình số học (digital processing), bạn sẽ không cần thiết phải thực hiện việc giới hạn âm lượng ở mức 0dB. Đừng bận tâm khi file nhạc xuất ra (khuyến cáo định dạng .wav với PC và .aiff cho máy Mac/Macbook) có âm lượng hơi nhỏ, vì tác phẩm thu được sau khi hoàn tất mastering chắc chắn sẽ làm bạn lòng.
Để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho mastering, bạn nên trích xuất (export) file nhạc với độ phân giải âm cao nhất mà trình biên tập hỗ trợ (thường là 24bit/96KHz) – dĩ nhiên hãy đảm bảo rằng các thiết bị phần cứng như card âm thanh, mixer hay những bộ EFX đắt tiền của bạn hỗ trợ âm thanh có chất lượng cao như vậy.
Thực hiện
Việc đầu tiên bạn cần làm khi mastering là phải gỡ bỏ DC offset – các tần số vượt quá biên độ của bảng âm trước khi thực hiện việc cân chỉnh tần số (EQ) cho file âm thanh. Trong khi EQ, chúng ta có thể thêm một chút bass bằng cách tăng tần số âm trầm (thường sử dụng với bộ lọc Quick Filter/Parametric EQ hoặc thực hiện cân chỉnh thủ công các tần số dưới 60Hz) trong phần mềm hay thiết bị EQ chuyên dụng. Nhanh gọn hơn, bạn có thể dùng bộ lọc Hi-pass được thiết kế sẵn.
Bây giờ là công đoạn nén (compressing) – cho phép cắt giảm các âm chói, tăng cường biên độ cũng như độ rộng của trường âm. Nếu được, hãy sử dụng các bộ nén nhiều tần (multi-band compressor) để có thể tinh chỉnh từng tùy chọn cụ thể với các dải tần khác nhau trong trường âm.
Ngoài ra, nếu mới vào nghề và chưa thành thạo với những bộ compressor phức tạp, hãy nghĩ đến giải pháp sử dụng những bộ lọc giới hạn tín hiệu (limiter) theo ngưỡng do mixer đặt ra (thường là -3 dB). Các limiter phổ biến được đánh giá cao có thể kể đến như: Waves L1 hay L2 Ultramaximizer/L3 Multimaximizer… Có một điểm cần chú ý trong quá trình làm việc với các compressor/limiter là nên thực hiện việc đặt giới hạn ở mức xấp xỉ 0 dB vào sau cùng. Sau khi làm thao tác này, không nên có bất kỳ tác động nào tới bản mix của bạn nữa, trừ khi chúng ta hơi “quá tay“ tạo ra những tần số gây chói hay vẩn đục âm bass.
Bên cạnh việc cân chỉnh tần số và nén là bắt buộc, sự khác biệt làm nền đẳng cấp giữa các kỹ sư phòng thu chuyên nghiệp chính là sử dụng hiệu quả những công cụ bổ trợ khác như reverb/echo (tiếng vang), chorus (hợp âm),… Ví dụ, khi thực hiện những bản mix nhạc hòa tấu để thưởng thức trong phòng khách, nhất thiết phải sử dụng reverb để tạo hiệu quả “lan tỏa“ cho bản mix.
Thực hiện dithering với L2 Ultramaximizer
Xóa bỏ nhiễu tín hiệu
Công việc cuối cùng của quá trình mastering, cũng là cuối cùng của qui trình audio production là xóa bỏ các nhiễu tín hiệu (dithering) nếu có (hệ quả thường thấy sau khi thực hiện hàng loạt thao tác mixing và mastering) và lấy mẫu lại bản mix stereo trước khi xuất ra. Như chúng ta đã biết, một CD nhạc số có tần số lấy mẫu/độ phân giải âm chuẩn là 44.1 KHz/16bit. Vì vậy, làm sao để bản mix đang được thực hiện với độ phân giải tối đa của chúng ta (96KHz/24bit) vẫn giữ nguyên được chất lượng khi được ghi ra đĩa CD? Hiểu đơn giản, những gì chúng ta cần thực hiện cũng giống như việc sử dụng bộ lọc bi-cubic để khử răng cưa của những bức ảnh cần giảm kích thước trong Photoshop.
Có một bất ngờ thú vị là chính những thiết bị hay VST dither tốt nhất hoạt động trên nguyên tắc: thêm vào bản mix đã được mastering một số lượng nhỏ các tín hiệu nhiễu (vượt quá biên độ bảng âm). Chính phương pháp “dĩ độc trị độc“ này mang lại hiệu quả tốt nhất và được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Dĩ nhiên, cần nhắc lại là bạn chỉ được phép thực hiện dithering khi đã hoàn toàn lòng với chất lượng bản nhạc đã được mixing và mastering.