Những thông số kỹ thuật phổ biến trên loa
Khi nhìn vào thông số kỹ thuật của một bộ loa, đây là những điều mà bạn nên chú ý
- Số đường tiếng
- Số lượng và kích thước củ loa woofer
- Số lượng và kích thước củ loa tweeter
- Số lượng và kích thước củ loa mid (thường chỉ có ở các dòng loa cao cấp)
- Kích thước củ loa sub-woofer (thường chỉ có ở loa siêu trầm)
- Công suất định mức / công suất đỉnh
- Độ nhạy
- Đáp tuyến tần số
- Trở kháng
- Kích thước
- Trọng lượng
Số đường tiếng
Để tái tạo lại được âm thanh gửi đến thính giả, một bộ loa phải thể hiện đủ 3 dải âm là bass (trầm), mid (trung) và treble (cao). Số đường tiếng thể hiện số loại củ loa mà một chiếc loa sử dụng để tái tạo lại 3 dải âm này. Cũng cần lưu ý là số đường tiếng được tính bằng loại củ loa, chằng hạn như nếu một chiếc loa sở hữu 1 tweeter và 2 woofer thì nó vẫn được tính là 2 chứ không phải 3 đường tiếng.
Loa 3 đường tiếng mặc dù sử dụng đến 6 củ loa – Ảnh: forum.polkaudio.com
Để có được độ chuẩn xác cao nhất, loa 3 đường tiếng là sự lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên trên thực tế những dòng loa 3 đường tiếng là khá đắt đỏ, vì vậy bạn sẽ thấy rất nhiều dòng loa giá rẻ sở hữu chỉ 2 đường tiếng. Trong một số dòng loa siêu cao cấp, nhà sản xuất còn tích hợp thêm một “super tweeter”, nhận trách nhiệm tái hiện âm thanh ở dải tầng số siêu cao một cách chuẩn xác nhất, nâng số đường tiếng lên con số 4.
Riêng đối với loa siêu trầm (loa sub), nó chỉ sở hữu duy nhất một đường tiếng và không có bất kỳ nhiệm vụ nào khác ngoài việc tái hiện dải âm trầm.
Số lượng và kích thước củ loa
Loa là một tổ hợp của các củ loa nhỏ, mỗi củ loa có nhiệm vụ tái tạo một dải âm thanh nhất định. 4 loại củ loa phổ biến là tweeter (chuyên tái tạo âm cao), woofer (chuyên tái tạo âm trầm), midrange (chuyên tái tạo âm trung) và sub-woofer (chuyên tái tạo âm siêu trầm). Trong số đó, woofer và tweeter là phổ biến nhất và thường được dùng để tái hiện luôn dải trung ở đa số các dòng loa phổ thông và tầm trung hiện nay. Đối với các dòng loa cao cấp, củ loa midrange được tích hợp để đảm nhiệm riêng mục tiêu trình diễn dải trung nhằm đảm bảo tính âm học cao nhất. Sub-woofer là loại củ loa khá đặc biệt thường chỉ được tích hợp trong những dòng loa siêu trầm với nhiệm vụ duy nhất là tăng uy lực cũng như độ tinh tế của dải bass cho toàn hệ thống.
Về cơ bản, kích thước củ loa phụ thuộc vào nhiệm vụ của nó. Chẳng hạn như tweeter có kích thước nhỏ nhằm dễ dàng dao động với tốc độ cao để tái hiện âm thanh tần số cao. Đối lập lại thì woofer cần kích thước lớn để có thể đẩy được nhiều không khí, tái hiện uy lực của những âm thanh tầng số thấp. Việc cân đối giữa kích thước của loa với chất liệu làm màng loa cũng như cấu trúc thùng loa để tạo ra chất âm tốt nhất là bí quyết của các hãng sản xuất, vì vậy bạn cũng không cần quan tâm lắm đến yếu tố này.
Công suất / công suất đỉnh
Công suất là yếu tố thể hiện độ lớn âm thanh phát ra từ loa, được tính bằng đơn vị watt. Một chiếc loa có công suất càng lớn thì âm lượng tối đa của nó càng cao. Công suất đỉnh là công suất tối đa mà chiếc loa của bạn có thể lên được trong một thời gian ngắn, khác với công suất thông thường có thể phát liên tục mà không ảnh hưởng đến tuổi thọ của loa.
Để có được dàn loa tối ưu nhất, bạn nên kết hợp loa với âmli có công suất tương đương hoặc thấp hơn một chút ở cùng một mức độ trở kháng. Chằng hạn như loa có công suất là 150 W ở mức trở kháng 8 ohm, bạn nên phối nó với một chiếc âmli có công suất tương tự hoặc thấp hơn. Cần lưu ý là bạn nên lựa chọn công suất theo nhu cầu của mình chứ không nên ưu tiên càng cao càng tốt. Trên thực tế, một bộ loa gia đình với công suất khoảng 150 W là phù hợp với không gian phòng 25-40 m2. Các dòng loa có công suất cao cỡ 1000 W thường dành cho các buổi tiệc, âm lượng cao nhưng chất âm kém sẽ khó có thể làm bạn hài lòng.
Độ nhạy
Độ nhạy (Sentivity hay còn gọi là SPL) là thước đo âm lượng của loa được tính bằng đơn vị decibel (dB). Đối với loa dành cho gia đình, độ nhạy thường dao động từ 80-90 db nhằm đảm bảo độ chính xác khi tái hiện lại âm thanh. Ở khoảng cách 1 mét, âm lượng của từng độ nhạy loa khi phát ra có thể được tính theo bảng sau:
Để bạn dễ hình dung, sau đây là âm lượng của một số tình huống đời thường tiêu biểu:
- 40 dB: phòng khách cực kỳ im lặng
- 60 dB: 2 người nói chuyện với nhau ở khoảng cách thông thường (1,5 m)
- 80 dB: tiếng hét lớn của một người
- 90-100 dB: tiếng tàu chạy khi bạn đứng sát đường ray
- 130-150 dB: tiếng động cơ máy bay phản lực khi đứng cách xa 30 m
Trong điều kiện lý tưởng, mỗi khi gấp đôi quãng đường di chuyển thì âm lượng của loa sẽ giảm xuống 6 dB. Chẳng hạn nếu như âm lượng phát ra từ loa là 100 dB ở khoảng cách 1 mét, khi đến với người nghe ở khoảng cách 2 mét thì nó còn lại 94 dB, khoảng cách 4 m sẽ còn lại 88 dB và bạn cứ thế mà tính tiếp. Đây là yếu tố giúp bạn tính được mình cần một bộ loa công suất bao nhiêu là đủ cho căn phòng của mình. Chẳng hạn vị trí nghe của bạn cách 4 m với vị trí loa với chỉ số độ nhạy của loa là 89 dB; bạn cần bộ loa công suất ít nhất là 128 W để đạt được ngưỡng âm lượng là 100 dB. Nó cũng là định mức tối thiểu công suất âm ly bạn cần sử dụng để phối với bộ loa của mình. Trong trường hợp này, giả sử dù công suất định mức của loa có thể lên đến 150 W nhưng bạn chỉ cần một âm ly 128 W là đủ để đạt đến mức âm lượng thưởng thức lý tưởng.
Trở kháng
Được tính bằng ohm, trở kháng là thông số chỉ tính chất giới hạn dòng điện đi vào của loa và cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cái chết của không biết bao nhiêu âmli. Đây là một thông số tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất vô cùng phức tạp nên mình chỉ đưa ra một số lưu ý để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Về cơ bản, nếu bạn mua loa có trở kháng là 6-8 ohm thì không có gì phải lo lắng; nó có thể phối ghép an toàn với đại đa số các dòng âmli trên thị trường. Chỉ khi phối ghép loa trở kháng 4 ohm với âmli công suất thấp, bạn mới cần phải lưu ý. Nếu nhà sản xuất công bố mức công suất của âmli ở cả 8 ohm lẫn 4 ohm thì không thành vấn đề, nhưng nếu chỉ công bố ở 8 ohm thì bạn nên cẩn trọng. Nguyên nhân là do các dòng loa trở kháng thấp yêu cầu dòng điện lớn hơn rất nhiều so với các loại loa khác khi chơi ở âm lượng cao, dẫn đến nguy cơ cháy các mạch trong âmli.
Đến đây chắc hẳn các bạn sẽ tự hỏi liệu loa trở kháng thấp liệu có hay hơn loa trở kháng cao hay không? Theo lý thuyết là không, trở kháng thấp chỉ chứng tỏ sự tinh tế trong việc tối ưu khả năng trình diễn của loa bởi các kỹ sư thiết kế. Nhưng thực tế, đó lại là một trong những dấu hiệu nhận biết loa cao cấp. Hiểu một cách đơn giản, loa có trở kháng thấp chưa chắc đã là loa tốt nhưng loa tốt thường là có trở kháng thấp.
Đáp tuyến tần số
Đáp tuyến tần số, hay còn gọi là dải tần số đáp ứng của loa, thể hiện khả năng tái tạo âm thanh của loa. Một người thông thường có khả năng nghe được âm thanh thuộc dải tần số từ 20-20kHz, vì vậy khi chọn loa bạn nên chọn sao cho nó có thể trình diễn toàn dải tần số này.
Đối với loa nghe nhạc stereo (2 kênh), đáp tuyến tần số tối thiểu phải là từ 20-20kHz cho mỗi loa. Nếu như thiếu hụt ở dải âm trầm thì bạn cũng có thể tạm chấp nhận trong trường hợp có ý định bổ sung thêm loa sub. Trong khi đó, mỗi loa trong bộ dàn phim không nhất thiết phải đáp ứng được toàn bộ dải tần số âm thanh, tuy nhiên tổng thể của cả dàn phải đạt được yêu cầu này. Việc một số dòng loa có thể trình diễn âm thanh tần số mà con người không thể nghe được thường chủ yếu là chiêu bài tiếp thị, tác động của nó lên trải nghiệm vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi hiện nay.
Kích thước và trọng lượng
Loa có nhiều kiểu, từ loa cột to lớn cho đến loa bookshelf nhỏ gọn. Tuỳ theo không gian phòng, bạn nên lựa chọn kích thước loa phù hợp nhất cho mình. Lời khuyên của mình là bạn không cần một chiếc loa lớn, bạn cần âm thanh của nó phát ra phải chất. Không phủ nhận rằng các dòng loa cao cấp thường rất khổng lồ và hoành tráng, nhưng nếu ép buộc đặt vào một không gian nhỏ tí thì không những vừa kệch cỡm vừa khiến nó không thể hiện được hết khả năng của mình.
Chúc các bạn lựa chọn cho mình một bộ loa ưng ý.