Lựa chọn công suất Ampli phù hợp
Trước khi sắm ampli công suất (power amplifier) hoặc ampli tích hợp (integrated amplifier), câu hỏi đầu tiên cần trả lời là lượng công suất đầu ra cần thiết là bao nhiêu để phù hợp với cặp loa đang sử dụng, với chi phí tối ưu.
Công suất đầu ra được đo bằng oát (watt) theo trở kháng của một bộ loa xác định, thay đổi từ khoảng 20W/kênh trong một ampli tích hợp cỡ nhỏ đến khoảng 1.000W/kênh trong khối ampli monoblock.
Lựa chọn dải công suất đầu ra của ampli phù hợp cho các bộ loa, sở thích và phong cách nghe nhạc, bố trí phòng nghe và khả năng tài chính của người nghe là yếu tố quan trọng để có được âm thanh tốt nhất trên số tiền bỏ ra. Nếu ampli có công suất thấp hơn mức cần thiết, người chơi sẽ không nghe hết khả năng của hệ thống. Âm thanh sẽ bị “non” và thiếu độ động. Ngược lại, nếu đầu tư nhiều tiền cho những bộ ampli công suất lớn hơn mức cần thiết, sự không tương thích nhiều khi sẽ mang lại những kết quả không mong đợi, ảnh hưởng tiêu cực đến các thiết bị còn lại trong bộ dàn, đặc biệt là cặp loa. Do đó, việc chọn đúng mức công suất cần thiết của ampli sao cho phù hợp với màn trình diễn của cặp loa là điều tối quan trọng.
Công suất cần thiết của ampli phụ thuộc đáng kể vào độ nhạy và trở kháng của loa, kích thước phòng nghe, đặc tính âm học của phòng và âm lượng (volume) mà người nghe mong muốn. Độ nhạy của loa là một trong những nhân tố quan trọng nhất khi lựa chọn công suất đầu ra tương ứng. Độ nhạy của loa xác định mức SPL (sound-pressure level) mà bộ loa sẽ tạo ra khi được cung cấp nguồn điện đầu vào nhất định.
Thử xem xét những thông số phổ biến trên loa như “88dB SPL, 1W/1m”. Điều đó có nghĩa là bộ loa sẽ tạo ra mức SPL là 88 decibel (dB) với một W nguồn điện đầu vào khi được đo ở khoảng cách 1m. Dù 88dB là âm lượng nghe vừa phải, nhưng khi chú ý nhiều hơn tới cách mà công suất liên quan đến mức SPL sẽ thấy chúng ta cần nhiều hơn một W để chơi nhạc. Mỗi 3dB tăng lên của SPL yêu cầu tăng gấp đôi công suất đầu ra của ampli. Do đó, nếu bộ loa có độ nhạy 88dB tại 1W, thì chỉ có thể tạo ra 91dB với 2W, 94dB với 4W và 97dB với 8W… Như vậy, để tạo ra mức đỉnh 109dB, người chơi cần ampli có công suất đầu ra 128W. Nếu người chơi có bộ loa với độ nhạy 91dB tại 1W/1m (chỉ 3dB cao hơn độ nhạy của bộ loa đầu tiên), thì chỉ cần một nửa công suất khuếch đại (64W) để tạo ra cùng âm lượng 109dB SPL. Một bộ loa với độ nhạy 94dB chỉ cần công suất 32W để tạo ra cùng âm lượng. Như thế, những bộ loa có độ nhạy cao hơn sẽ chuyển nhiều công suất của ampli hơn thành âm thanh.
Mối quan hệ giữa công suất đầu ra của ampli và độ nhạy của loa được mô tả ngẫu nhiên từ hơn 60 năm trước. Năm 1948, ông Paul Klipsch – người tiên phong về loa – đã mô tả âm thanh thực (live sound) của dàn nhạc giao hưởng khi tái tạo chúng bằng loa Klipschorn. Công suất đầu ra của ampli mà ông sử dụng là 5W. Klipschorn là bộ loa siêu nhạy (105dB SPL 1W/1m). Chúng sẽ tạo ra âm lượng rất lớn với công suất đầu ra của ampli rất thấp. Klipsch đã cố gắng chứng tỏ những bộ loa của ông có thể mô phỏng chính xác nhất chất lượng về tông và độ vang của dàn nhạc giao hưởng cỡ lớn.
Tầm quan trọng của độ nhạy loa cũng được mô tả bằng những ampli đèn ba cực nhạy mạch single-ended cho công suất chỉ 3W/kênh. Loại thiết bị này có thể tạo ra âm lượng vừa phải khi đánh những bộ loa có độ nhạy cao. Những minh họa về sự thay đổi của mức SPL và công suất đầu ra của khuếch đại cho thấy độ nhạy của loa ảnh hưởng lớn đến yêu cầu về mức công suất của ampli như thế nào. Thậm chí sự khác nhau về độ nhạy chỉ 2dB có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong yêu cầu công suất đầu ra của ampli.
Dễ nhận thấy rằng: khi tăng gấp đôi lượng công suất đầu ra sẽ tạo nên mức tăng âm lượng 3dB. Do đó, sẽ có sự khác nhau là 3dB giữa ampli 10W và ampli 20W. Nhưng 3dB cũng là sự khác nhau giữa ampli 500W và ampli 1.000W (dù công suất đầu ra chênh lệch nhau rất lớn giữa 500W và 1.000W hơn là giữa 10W và 20W). Đó là lý do tại sao người chơi cần quan tâm đến tỷ số của công suất đầu ra hơn là sự khác nhau về số W khi so sánh và lựa chọn ampli công suất cho hệ thống nghe nhạc.