Để thu được âm thanh stereo thì cách đặt micro khá quan trọng. Không chỉ với micro hát Karaoke mà với micro thu âm cũng thế, vị trí của mic ảnh hưởng đến việc phân chia nguồn âm ra 2 loa trái phải, tạo hiệu quả strereo rộng nhân tạo. Vì vậy để thu âm thanh biểu diễn stereo một cách tốt nhất, chúng tôi xin đưa ra một vài kỹ thuật đặt micro trong bộ dàn âm thanh mà chắn chắn bạn sẽ hài lòng với hiệu quả âm thanh mà nó mang lại…
Lắp đặt theo kiểu X/Y (hay còn gọi là L/R)
Để lắp đặt micro theo mô hình X/Y ( L/R- left/right), đầu tiên người ta chọn hai micro có tính chất giống nhau, lắp đặt một micro ở bên trái nguồn âm và micro còn lại ở bên phải nguồn âm sao cho trục của hai micro này làm thành một góc khoảng từ 90° đến 180°. Để góc mở như thế sẽ được cân chỉnh lớn hoặc nhỏ tùy theo từng loại nhạc cụ khác nhau. Với những nhạc cụ phát ra âm thanh lớn như kèn đồng chẳng hạn thì sẽ thích hợp với một góc mở lớn. Và người lại, với những nhạc cụ phát ra âm thanh nhỏ hơn thì chúng ta sẽ thu hẹp góc mở lại. Đặt micro càng ra nguồn âm, hiệu quả stereo sẽ càng giảm đi. Tuy nhiên, phần âm thanh tự nhiên trong khán phòng sẽ lại được tăng lên. Kỹ thuật lắp đặt này cho chúng ta hiệu quả âm thanh với tiếng vang tốt, tuy nhiên hiệu suất âm thanh stereo chưa thực sự xuất sắc.
Lắp đặt kiểu Omni không gian:
Kỹ thuật này được sử dụng phổ biến trong thu âm dàn nhạc biểu diễn. Khoảng cách từ micro đến nguồn là 1,3m đến 2,7m. Khoảng cách càng lớn thì càng tăng thêm âm thanh tự nhiên trong phòng. Để thu được âm thanh tốt nhất, người ta dùng loại micro có đặc tính định hướng hình cầu và chú ý khoảng cách từ micro tới nguồn phát âm thanh. Kiểu lắp đặt này là một kỹ thuật tạo chiều sâu cho âm thanh mà vẫn đảm bảo tính mềm mại vì âm thanh được dàn trải, không tập trung ở một điểm.
Lắp đặt kiểu Blumlein:
Người ta dùng hai micro có định hướng hình số 8 tạo với nhau một góc 90°. Đặt một micro bên trái nguồn âm, micro còn lại đặt phía bên phải nguồn âm. Tại điểm giao nhau của hai trục định hướng có sức nén giảm xuống -3dB. Khi đó tín hiệu ở giữa trung tâm được cân bằng từ 2 micro. Kỹ thuật này giúp tối ưu về chiều sâu cho âm thanh.
Lắp đặt kiểu ORTF:
Kỹ thuật này thường dùng trong trường hợp các nhạc cụ phát ra âm thanh lớn. Ý tưởng này bắt nguồn từ hình ảnh hai cái tai trên đầu của con người. Dùng 2 micro quay mặt về 2 hướng tạo nên một góc 110°, với khoảng cách 17cm. Kỹ thuật này tạo hiệu quả âm thanh rộng và có chiều sâu tối ưu như hệ thống Blumlein, nhưng tín hiệu tiếng vang và âm thanh tự nhiên trong khán phòng sẽ bị hạn chế.
Lắp đặt kiểu M/S (Mid/Side):
Người ta dùng 2 micro, trong hệ thống này, một cái dùng để thu âm cùng trung tâm nguồn, cái còn lại đặt bên trái nguồn âm (Side) có nhiệm vụ thu các âm thanh thoát ra từ bên trái và bên phải của nguồn âm. Khi phát lại âm thanh, trên bàn mixer chúng ta nên chỉnh Pan lại. Với micro “Mid” nên để pan ở trung tâm. Với micro “Side” nên đưa vào mixer bằng 2 kênh input, một chia pan bên trái và một chia pan bên phải, tạo thành một góc 180°. “Chiều rộng” của âm thanh stereo sẽ phụ thuộc bởi sự cân chỉnh balance giữ kênh “Mid” và kênh “Side”. Ích lợi của kiểu đặt micro này là cho ra một âm thanh stereo hoàn hảo (nếu ta cân chỉnh đúng). Điều đặc biệt hơn, dù tín hiệu này thu bằng phương pháp stereo nhưng có thể phát ra trên thiết bị mono mà không bị biến dạng âm. Vì thế nó là một giải pháp tốt cho các phương tiện truyền thông là phát thanh truyền hình và trong việc trộn tiếng tạo âm thanh nổi (Trái -Trung Tâm – Phải )
Lắp đặt kiểu Decca Tree:
Hệ thống này dùng 3 micro đặt trên một chân cao khoảng 350 cm hướng về phía sau của nhạc trưởng. Ba micro này chúi xuống dàn nhạc một góc khoảng 30°. Một micro hướng về trung tâm, hai mic còn lại tạo với mic trung tâm một góc 45°. Kỹ thuật này cho ra âm thanh stereo trung thực, có hiệu quả lớn đối với âm thanh Stereo.
Một số nhược điểm thường gặp khi vận hành nhiều mic:
Các kỹ thuật lắp đặt micro nêu trên có một điểm chung là dùng nhiều micro. Ưu điểm của các phương pháp này là tạo ra âm thanh stereo trung thực, hoàn hảo. Tuy nhiên khi dùng 2 micro trở lên để thu nguồn âm, sẽ rất dễ xảy ra hiện tượng âm đến micro này trước và được thu âm trước, âm đến micro kia sau và được thu âm sau. Như vậy âm thanh sẽ bị nhòe, mất đi độ trung thực. Điều này khi phát lại sẽ nghe một âm thanh rất lạ. Có một số nốt sẽ lớn hơn một số nốt khác, hay tiếng bass sẽ quá lớn hoặc quá nhỏ. Nếu dùng từ 3 micro trở lên thì những vấn đề như thế này sẽ càng dễ gặp hơn.
Một vài cách khắc phục, hạn chế tác hại:
– Tuân thủ luật 3:1: Luật này được diễn tả một cách đơn giản là mic này nên để cách xa mic kia gấp 3 lần so với khoảng cách của nguồn âm. Ví dụ: nếu sử dụng hai micro để thu tiếng đàn guitar và đặt cách đàn là 15cm thì khoảng cách giữa hai micro lúc này sẽ là 45cm.
– Đừng dùng nhiều micro hơn mức cần thiết. Càng thêm nhiều micro, khả năng gây tác hại sẽ càng lớn.
– Để xa mặt phẳng dội âm: Chúng ta bị tác hại do âm thanh bật lại từ bức tường hoặc từ giá nhạc gần đó. Trường hợp này, ta thêm sự hấp thụ cho vùng gây tác hại như phủ khăn lên giá nhạc chẳng hạn. Cũng nên nhớ rằng: một micro có đặc tính hình quả thận để xa người biểu diễn vẫn có thể thu được âm thanh của người biểu diễn ấy giống như âm thanh dội lại từ tường và đến micro.
– Nhớ đặt micro trong tình trạng luôn hoạt động. Nếu một trong các micro không hoạt động (hai đầu dây micro bị đảo ngược, hoặc công tắc không được bật) hoặc hai vùng của đặc tính định hướng chồng lên nhau, có thể xảy ra trường hợp sẽ bị loại những tần số nào đó trong vùng có liên quan đến vị trí trùng nhau đó.
– Phân cách giữa những người biểu diễn: Nếu có thể, hãy để những người biểu diễn càng ở xa nhau càng tốt, để hạn chế sự rò rỉ âm thanh giữa các micro với nhau. Trong các phòng thu lớn, người ta thường để người biểu diễn trong những phòng riêng biệt, hoặc ít nhất cũng có những cửa cách âm. Tuy nhiên, một vài cửa cách âm lại là nguyên nhân gây ra tác hại do sự hấp thụ âm thanh không tốt. Lúc đó ta phải chú ý để xoay micro về hướng khác.
– Sử dụng lưới chắn cách âm: Thường một bức chắn cách âm có thể cản được âm thanh giữa mic này với mic tiếp theo. Chúng ta có thể đặt bức chắn giữa những người biểu diễn, hoặc giữa hai mic để tăng thêm sự cách biệt. Ví dụ: dùng một bức chắn nhỏ giữa trống snare và Hi-Hat trong dàn trống, hoặc giữa hai mic trên Piano.
– Di chuyển micro: Đây là mẹo dễ nhất và hiệu quả nhất để tránh tác hại. Chỉ cần đưa headphone vào phòng thu và di chuyển micro qua lại để kiểm tra sao cho âm thanh vang lên là tốt nhất!