Tiêu âm có phải là làm cho âm thanh hoàn toàn viến mất hay không? Nếu bạn thắc mắc như vậy thì bạn đã nhầm giữa tiêu âm và cách âm. Ở bài viết này chúng tôi xin chia sẻ một chút kiến thức về xử lí âm học trong phòng nghe, cụ thể là vấn đề tiêu âm.
Xử lý âm học có 4 mục tiêu chính:
– Ngăn nhiễu âm và sóng đứng làm ảnh hưởng đến đáp ứng tần số của phòng nghe.
– Giảm hiện tượng ù, dội âm.
– Tiêu âm hoặc tán âm trong phòng để tránh hiện tượng ù, tiếng vọng.
– Cách âm để không cho âm thanh lọt ra bên ngoài gây ảnh hưởng đến người khác hoặc trường hợp không cho âm thanh chui vào phòng thu.
Như vậy, tiêu âm là đưa âm thanh ù ù trong phòng nghe trở nên rõ ràng và sắc nét, làm biến hiện tượng dội âm, tạo ra chất lượng âm thanh tốt hơn cho phòng hát, phòng thu.
Trong tiêu âm lại có 2 loại:
– Một loại là để điều khiển phản xạ của các tần số cao và trung, nhằm giảm thiểu tiếng nhại.
– Một loại gọi là “bass trap” (bẫy tiếng trầm) để tiêu âm có tần số thấp nhằm giảm thiểu hiện tượng dội âm trong phòng.
Cả 2 phương pháp này đều cần dù bạn đã có mộ hệ thống thiết bị karaoke tốt để đảm bảo tiêu chuẩn âm thanh cho phòng nghe.
Tiêu âm trung và âm cao
Kĩ thuật tiêu âm trung và âm cao được sử dụng trong thiết kế karaoke để giảm thiểu âm dội và âm vang giúp âm thanh trở nên trung thực và sống động, sắc nét hơn. Người nghe sẽ cảm nhận được chính xác hơn âm thanh của bản ghi với ảnh hưởng xấu ở mức thấp nhất bởi phòng nghe.
Cao su non tiêu âm
Các vật liệu thường được sử dụng như bông thủy tinh, mút gai, mút trứng, cao su non, xốp hoặc bông hóa học. Với tính năng hút âm cực mạnh, các vật liệu này rất hữu ích trong phòng karaoke, được sử dụng rộng rãi cho cả các phòng âm thanh chuyên và không chuyên. Bông thủy tinh thường được bán với kích thước có sẵn là 60x120cm với độ dày từ 2,5-10cm. Đây cũng là kích thước phổ biến nhất, bạn cũng có thể tìm được các kích thước khác cho phù hợp với mục đích sử dụng. Theo đo đạc thực tế, loại bông thủy tinh dày 2,5cm có khả năng hút âm xuống đến 500Hz. Với loại dày 5cm, khả năng hút âm xuống đến 250Hz. Với cùng độ dày, bông thủy tinh có hiệu suất hút âm tần số thấp gấp đôi các loại mút thông thường.
Vật liệu bông thủy tinh
Các tấm tiêu âm trung và âm cao chỉ cần dùng bông thủy tinh có kết cấu đơn giản. sử dụng khung gỗ mỏng và bên trong nhồi bông thủy tinh, bề mặt bên ngoài phủ vải. Giá thành mỗi tấm tiêu âm kích thước 60x120cm không quá 100 nghìn đồng. Với giá thành này người dùng kết hợp tự gia công nữa thì cũng được coi là khá ổn. Nếu sử dụng mút thì chỉ cần gắn trực tiếp tấm mút lên tường hoặc gắn vào khung gỗ mà không cần gim vải lên bề mặt. Trước khi tiến hành lắp đặt hệ thống tiêu âm, bạn nên sử dụng máy đo để xác định chính xác phải hút âm ở tần số nào để chọn vật liệu có tinh năng hút âm phù hợp. Với bông thủy tinh, khi tiến hành gia công nên sử dụng găng tay và khẩu trang để tránh tiếp xúc hoặc hít phải bụi hóa học.
Bẫy âm trầm (tiêu âm bass)
Tác dụng của việc bẫy âm trầm (bass trap) trong phòng nghe là để giảm thiểu sóng đứng và hiện tượng nhiễu âm học từ phòng nghe. Khi sóng âm tiếp xúc với sàn, tường và trần nhà hoặc giao thoa với nhau trong khi các sóng khác tiếp tục phát ra từ loa hay các nguồn phát khác thì sẽ gây ra hiện tượng nhiễu âm. Tùy vào kích thước của phòng và độ dài bước sóng, áp suất không khí của sóng phản hồi sẽ tăng hoặc giảm áp suất của sóng âm phát ra từ loa.
Việc triệt tiêu hay cộng hưởng của sóng âm trong phòng được gọi là nhiễu âm. Hiện tượng này xảy ra ở tần số thấp chứ không phụ thuộc vào kích thước phòng nghe. Để xử lý vấn đề này, người ta thực hiện hút các tần số thấp tại góc phòng, tường và các bề mặt để chúng không có khả năng dội trở lại căn phòng. Thiết bị hút âm được gọi là bass trap (bẫy âm trầm hay còn gọi là tiêu âm bass). Khi đã triệt tiêu hiện tượng dội âm, việc cảm nhận âm thanh trực tiếp từ loa sẽ dễ dàng hơn, rõ nét hơn. Khi đó, âm trầm trực tiếp đến tai người nghe sẽ lớn hơn và chi tiết hơn.
Bên cạnh việc làm phẳng tần số thấp, bass trap còn có tác dụng giảm vang âm gây nên hiện tượng một số nốt trầm ngân lâu hơn những nốt còn lại và ảnh hưởng đến độ chi tiết của hệ thống. Nếu không có bass trap, một số nốt trầm có thời gian dao động lâu sẽ dẫn vào các nốt tiếp theo. Sử dụng bass trap có thể giảm tối thiểu 50% thời gian dao động của những nốt này.
Có nhiều cách để làm bass trap, đơn giản và ít tốn kém nhất là gá bông thủy tinh dầy, cứng cách tường hoặc trần nhà một khoảng nhất định. Ví dụ: loại bông thủy tinh 705-FRK có độ dầy 10cm cần được gá cách bề mặt xử lý khoảng 40cm, xử lý tần số dưới 125Hz rất hiệu quả. Người chơi với ngân sách hạn chế có thể xử lý đơn giản bằng cách đặt tấm bông thủy tinh lớn ở các góc phòng. Bên cạnh đó, hai mép tường tiếp giáp với trần nhà cũng là những vị trí cần xử lý. Thay vì làm trần giả, người chơi có thể tận dụng khoảng không đó để gắn lên các tấm panel bên trong chứa bông thủy tinh, ngoài phủ vải thô.
Một loại bass trap khá hiệu quả là hộp cộng hưởng Helmholtz. Thiết bị này có khả năng hấp thu tần số rất thấp. Hiệu suất hút âm của hộp Helmholtz phụ thuộc vào kích thước. Một trong những thiết kế phổ biến là khung gỗ hình chữ nhật được nhồi bông thủy tinh, phủ cách quãng bề mặt bằng những thanh gỗ mỏng, tạo khoảng trống ở giữa với lớp bông thủy tinh phía dưới, sau đó căng một tấm vải thô để ngăn bụi hóa học. Thiết kế này được gọi là hộp cộng hưởng dạng “giát giường”. Một thiết kế khác cùng dạng hộp chữ nhật được nhồi đầy bông thủy tinh bên trong, mặt tiếp xúc là tấm ván mỏng được khoan lỗ tổ ong để hấp thụ sóng âm, mặt ngoài phủ vải thô. Dẫu rằng Helmholtz có khả năng hút tiếng trầm rất tốt, song do chỉ hiệu quả ở một vài dải tần nhất định nên loại bass trap này giảm hẳn tính phổ dụng.
Ngoài ra, bẫy panel cũng khá phổ biến. Bass trap này không đòi hỏi phải quá dầy mà vẫn hút được tiếng trầm hiệu quả. Loại này có mặt tiếp xúc với sóng âm bằng gỗ mỏng, đặt cách một đoạn với sóng âm bằng gỗ mỏng, đặt cách một đoạn với lớp bông thủy tinh cứng. Khi một vài tần số của sóng âm tác dụng đến bề mặt gỗ, tấm panel sẽ rung động. Quá trình này tiêu tốn năng lượng, nên sóng âm có xu hướng suy hao và triệt tiêu hơn là phản hồi trở lại phòng nghe. Bên cạnh việc hút âm trầm rất tốt, bề mặt gỗ của bass trap còn có tác dụng phản hồi một phần tần số cao hơn để căn phòng không bị câm quá ở một số dải tần trung và cao.
Tạo vùng phì nhiêu
Một trong những mục tiêu của xử lý phòng nghe là tạo ra vùng phi nhiễu tại vị trí nghe nhạc. Thông thường, âm thanh đến tai người nghe gồm hai loại: âm thanh trực tiếp từ loa và âm thanh phản hồi. Âm thanh phản hồi ảnh hưởng đến độ chi tiết và âm hình của toàn bộ hệ thống. Để ngăn chặn hiện tượng này, người ta tìm cách tạo ra vị trí mà ở đó âm thanh trực tiếp từ loa là tối đa và âm dội là tối thiểu.
Phương thức đơn giản nhất để xác định vị trí đặt tiêu âm tạo ra vùng phi nhiễu là sử dụng gương. Một người ngồi ở vị trí nghe nhạc và quan sát người khác di chuyển chiếc gương dọc theo bức tường bên cạnh. Đánh dấu lại những điểm mà người ngồi nhìn thấy ảnh của loa trong gương để đặt tiêu âm. Việc xử lý trần cũng được tiến hành tương tự. Để đảm bảo không gian phi nhiễu đủ rộng, người ta thường xử lý rộng ra bên ngoài điểm đánh dấu.
Lưu ý
Xử lý âm học phòng nghe tưởng đơn giản, nhưng đây là công việc đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, công phu không kém quá trình xây dựng bộ dàn. Chỉ sau khi phòng nghe được xử lý triệt để, người chơi mới được thưởng thức hệ thống tương xứng với số tiền đầu tư.
Có một điểm cần lưu ý, đó là không thể triệt tiêu 100% hiện tượng nhiễu âm ngay cả khi phòng nghe đã được xử lý tốt. Vẫn tồn tại những vùng có đỉnh và đáy trong giao thoa sóng âm, vẫn còn những biểu hiện vang hoặc dội âm nhất định. Tuy nhiên, do đã hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực nên âm thanh sẽ trở nên thuần khiết và trung thực hơn.
Với những chất liệu chuyên nghiệp thì giá thành khá cao, do đó người chơi nên nghiên cứu kỹ trước khi lắp đặt để có hiệu quả cao với chi phí hợp lý. Nói tóm lại để việc xử lý đạt hiệu quả, người chơi nên tuân thủ quá trình: đo đạc – phân tích – lắp đặt – hiệu chỉnh.